Ăn gì ở tuổi tiền mãn kinh?

"Tắt" kinh, dính luôn trầm cảm

“Tạm biệt” cơn bốc hỏa khó chịu

Mãn kinh: Đừng chủ quan với các cơn “bốc hỏa”!

Giảm mệt mỏi giai đoạn tiền mãn kinh


Chế độ ăn uống nhiều rau, củ, trái cây sẽ giúp giảm những triệu chứng khó chịu ở tuổi tiền mãn kinh

 

Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị, để giảm các triệu chứng của độ tuổi tiền mãn kinh, như: Cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm, tim đập nhanh, cáu gắt, khó chịu, rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt, khô âm đạo, mất hưng phấn tình dục… thì: “Về mặt dinh dưỡng, cần duy trì cân nặng thích hợp (BMI = 20 – 22). Đảm bảo nhu cầu năng lượng, tùy theo tuổi, loại hình vận động và mức hoạt động thể lực để tránh tình trạng suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì. Đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết (đạm, béo, đường, bột, vitamin và khoáng chất). Không nên ăn nhiều quá, ăn vừa đủ để không tạo gánh nặng lên bộ máy tiêu hóa, gây nguy cơ tăng cân, tăng huyết áp. Không nên ăn mặn, ăn đồ khó tiêu, quá no vào buổi tối, nên tránh những tiếp xúc, làm việc căng thẳng, dễ gây bực bội, mệt mỏi về thần kinh. Không uống rượu, bia, hút thuốc lá, không dùng chất kích thích như cà phê, chè đặc, nhất là vào buổi tối để dễ ngủ hơn…”.

"Để phòng một số bệnh hay gặp ở tuổi tiền mãn kinh chị em có thể sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất, những sản phẩm thực phẩm chức năng được khuyến cáo là tốt cho phụ nữ".

(PGS.TS Trần Đình Toán, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị)

Và để cơ thể luôn khỏe, đẹp, chị em cần biết chọn cho mình những món ăn thích hợp. Không nên ăn những món ăn nhiều mỡ, hạn chế chất béo, đặc biệt là các loại mỡ bão hòa. Nên sử dụng các acid béo cần thiết như omega – 3 và omega – 6, có thể giúp cải thiện một số triệu chứng của mãn kinh như trầm cảm, giảm mỡ trong máu, cải thiện các triệu chứng của viêm khớp và giảm nguy cơ ung thư vú. Omega – 3 có trong hạt bí ngô, dầu cải, đặc biệt EPA và DHA có nhiều trong cá hồi, cá thu, cá mòi, trứng. Omega – 6 có trong ngô, hạt hướng dương, mè… Chị em cũng cần hạn chế chất bột đường nhằm giúp kiểm soát được cân nặng, giảm trầm cảm và thay đổi khí chất. Nên ăn các loại đường phức (fructose) có trong trái cây, rau củ, ngũ cốc và tránh các loại đường đơn có nhiều trong các loại bánh kẹo, nước ngọt… Cần ăn đủ thức ăn giàu đạm như thịt nạc, cá, trứng, đậu đỗ, đặc biệt ăn nhiều các chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành vì có chứa nhiều tiền nội tiết tố thực vật… Ngoài ra, chế độ ăn uống có nhiều rau củ và trái cây sẽ cung cấp nhiều chất xơ, các vitamin B, C, D, E và khoáng chất giúp bảo vệ tim mạch, xương khớp, một số bệnh ung thư. Các chất xơ giúp giảm mỡ máu, tránh táo bón. Cung cấp đủ nhu cầu calci mỗi ngày ngăn ngừa loãng xương.

Tuy nhiên, “không phải phụ nữ nào cũng có thể lựa chọn được đầy đủ các loại thực phẩm và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, chị em có thể sử dụng thêm một số sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cần thiết nếu chế độ ăn không đảm bảo cung cấp đủ, đặc biệt là các chất chống oxy hóa như vitamin C, E, beta – carotene, selen, kẽm… Hạn chế ăn mặn bằng cách nêm lạt, không chấm thêm nước mắm, muối, nước tương, chao, bớt dùng bột ngọt, giảm các thức ăn mặn như mắm, tương, dưa, cà, tránh thức ăn chế biến sẵn… Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để ngăn ngừa táo bón và giúp giữ ẩm cho da”, PGS.TS Trần Đình Toán cho biết.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp